Cách nhận biết đất tranh chấp, thời hạn sử dụng đất và các loại thuế phí cần phải nộp khi mua đất. Đây là những kiến thức vô cùng cần thiết dành cho người dân khi có ý định mua nhà đất hoặc thực hiện các loại chuyển nhượng liên quan đến bất động sản. Không chỉ giúp quá trình mua bán diễn ra thuận lợi, việc am hiểu pháp luật còn giúp người dân không bị lừa hoặc chịu những thiệt thòi không đáng có.
1. NHỮNG LOẠI ĐẤT CÓ THỜI HẠN SỬ DỤNG ỔN ĐỊNH, LÂU DÀI
Trên thực tế, hầu hết các sổ Đỏ, sổ Hồng đều đề cập đến thời hạn sử dụng đất. Ví dụ thời hạn sử dụng đất lâu dài hoặc tại một thời điểm xác định...tùy vào từng loại đất khác nhau sẽ có thời hạn sử dụng đất khác nhau. Vậy, những loại đất nào sẽ có thời hạn ổn định, lâu dài?
Tại Điều 125 Luật Đất đai 2013 có quy định 11 trường hợp đất có thời hạn sử dụng ổn định lâu dài như sau:
1. Đất ở do hộ gia đình, cá nhân sử dụng;
2. Đất nông nghiệp do cộng đồng dân cư sử dụng quy định tại khoản 3 Điều 131 của Luật Đất đai 2013;
3. Đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên;
4. Đất thương mại, dịch vụ, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng ổn định mà không phải là đất được Nhà nước giao có thời hạn, cho thuê;
5. Đất xây dựng trụ sở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội.; đất xây dựng công trình sự nghiệp của tổ chức sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính (thuộc các ngành và lĩnh vực về kinh tế, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục và đào tạo, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường, ngoại giao và các công trình sự nghiệp khác).
6. Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh;
7. Đất cơ sở tôn giáo (chùa, nhà thờ, nhà nguyện, thánh thất,...) quy định tại Điều 159 của Luật Đất đai 2013;
8. Đất tín ngưỡng;
9. Đất giao thông, thủy lợi, đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, đất xây dựng các công trình công cộng khác không có mục đích kinh doanh;
10. Đất làm nghĩa trang, nghĩa địa;
11. Đất tổ chức kinh tế sử dụng quy định tại khoản 3 Điều 127 và khoản 2 Điều 128 của Luật Đất đai 2013
2. KIỂM TRA ĐẤT CÓ ĐANG BỊ TRANH CHẤP HAY KHÔNG
Nếu mua đất đang có tranh chấp thì ảnh hưởng đến các quyền của người sử dụng đất như: không được chuyển nhượng, tặng cho, không được cấp sổ đỏ,... Vì vậy, trước khi mua đất hãy kiểm tra kỹ đất đó có tranh chấp không.
Cách thứ nhất là liên hệ với UBND, công chức địa chính xã nơi có đất để hỏi xem có ai đang gửi đơn hoà giải đất đó hay không. Bởi luật đất đai quy định nếu có tranh chấp đất đai mà các bên không tự hoà giải được thì phải gửi đơn đến UBND cấp xã, phường , thị trấn nơi có đất để hoà giải. Do đó UBND cũng sẽ biết được đất có tranh chấp hay không.
Cách thứ 2 là hỏi những người dân xung quanh khu đất đó xem liệu họ có biết được thông tin gì không. Tuy nhiên phương án này mang tính may rủi khá cao vì đôi lúc người dân không biết hoặc họ biết nhưng vì lí do nào đó không nói ra.
Cách thứ 3 là liên hệ với cơ quan thi hành án dân sự để tìm hiểu đất có liên quan đến thi hành án tranh chấp hay không? Sau khi một vụ tranh chấp đất đai đã được Toà án giải quyết thì Toà án có trách nhiệm chuyển giao bản án đó cho cơ quan thi hành án dân sự trong thời gian nhất định. Do đó, cơ quan thi hành án dân sự cũng là một nguồn để biết được mảnh đất đó đã có hoặc đang tranh chấp hay không
Cách thứ 4: Xin thông tin đất đai tại văn phòng đăng ký đất đai. Đây là cách hiệu quả nhất cũng như sẽ thu được về kết quả chắc chắn nhất trong 4 cách trên. Để xin thông tin đất đai thì người dân tiến hành như sau. Bước 1 nộp phiếu yêu cầu gửi đến văn phòng đăng ký đất đai. Bước 2: sau khi văn phòng tiếp nhận thông tin sẽ tiến hành trả lời đồng thời thu phí từ 150.000-300.000 tuỳ theo tỉnh thành. Nếu từ chối cung cấp thông tin thì phải trả lời bằng văn bản và lí do rõ ràng chính đáng. Trường hợp này thì kết quả được trả lời khá nhanh. Nếu nộp đơn đăng kí trước 15h thì kết quả có trong ngày, sau 15h thì sang ngày làm việc hôm sau, còn nếu đơn theo hợp đồng thì kết quả sẽ có theo như trong hợp đồng.
Thị trường bất động sản là nơi có thể đem lại nhiều lợi nhuận cho người dân, thế nhưng nơi nào có cơ hội nhiều thì cũng nguy hiểm không kém. Không ít trường hợp người dân đi mua đất nhưng mắc phải bẫy của kẻ xấu, mua phải đất đang tranh chấp hoặc đất có thời hạn sử dụng ngắn hạn. Do đó, bên cạnh tài chính thì người dân cũng rất cần trang bị cho mình những kiến thức bổ ích để không chịu thiệt thòi.
Nguồn tham khảo: Thư viện Pháp luật